Mẹ và bé- Người lớn cho rằng chỉ vì con hiếu động nên trẻ hay ngủ ngày thức đêm, tuy nhiên điều này có thể do tác động của cha mẹ hoặc những nguyên nhân về sức khỏe của trẻ như thiếu vitamin D, canxi,…
Nuôi trẻ sơ sinh chưa bao giờ là một việc đơn giản, nhất là với những chị em lần đầu làm mẹ. Có quá nhiều lý do khiến các bà mẹ trở nên trầm cảm sau sinh, trong đó, lý do lớn nhất thường đến từ những căng thẳng, stress trong quá trình nuôi con do trẻ quấy khóc liên miên, lười ăn hay bị trớ… Tuy nhiên, “cơn ác mộng” đáng sợ nhất với các bà mẹ, đó là trẻ thích thức đêm.
Việc chăm con ban ngày đã rất vất vả mệt mỏi, nếu ban đêm người mẹ không có được khoảng thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khoẻ thì chắc chắn sáng hôm sau sẽ chẳng thể tỉnh táo, tươi tắn tiếp tục công cuộc nuôi con “vĩ đại”. Tuy nhiên, nhiều chị em lại phải “phát hoảng” khi con cứ đến chập tối bỗng dưng lại “tỉnh như sáo”, có khi chơi một mạch từ 10 giờ đêm đến 5,6 giờ sáng.
Nhiều người tự an ủi bản thân rằng “Qua tháng đầu là nó sẽ ngoan thôi!” hay do tính con “thích như thế”, “con mình hiếu động” mà không biết rằng, trẻ không ngủ đúng giờ đúng giấc cũng phần nhiều do lỗi của mẹ. Loại trừ những lý do sức khoẻ như thiếu vitamin D, canxi…, xin liệt kê giúp mẹ các thông tin giải thích nguyên nhân khiến trẻ ngủ ngày thức đêm.
1. Cho con đi ngủ quá muộn
Nhiều chị em sau một ngày làm việc 8 tiếng mệt mỏi, tối về muốn chơi với con nên để bé thức khuya một chút. Một số lại nuôi hy vọng rằng cứ để trẻ chơi, đến khi bé mệt hẵng sẽ tự ngủ. Dù là lý do gì đi chăng nữa thì đây cũng không phải là một ý tưởng tốt.
ãy để trẻ đi ngủ đúng giờ
Hãy dừng các hoạt động vui chơi với trẻ và cho trẻ đi ngủ sớm hơn
Trẻ sơ sinh, nhất là những em bé mới biết đi thường khi đã mệt thì lại càng khó ngủ. Trẻ nhỏ sẽ có xu hướng dậy sớm hơn, nên tối hôm trước các bé nên được đi ngủ sớm. Do đó, việc thiết lập một lịch trình ngủ đúng giờ đúng giấc là rất cần thiết. Đừng đợi đến khi bé bắt đầu ngáp và dụi mắt thì mới cho con đi ngủ. Để bé có thói quen lên giường sớm, dù chỉ sớm hơn 15-20 phút thì lâu dần cũng sẽ tạo được sự thay đổi rất rõ rệt.
2. Quá nhiều sự chú ý đổ dồn vào trẻ
Trẻ sơ sinh ngay từ nhỏ đã rất nhạy cảm và đủ tỉnh táo để cảm nhận được những đôi mắt của mọi người nhìn vào mình. Nếu ai đó cứ nhìn con chăm chăm thì bé sẽ khó có thể tiếp tục giấc ngủ. Muốn để con ngủ yên, mẹ hãy cũng nên nhắm mắt, và yêu cầu những người “không phận sự” như bố, bà nội, bà ngoại…nên đi ra khỏi phòng hoặc ít nhất cũng đừng nhìn chằm chằm vào con và niệm “thần chú” đi ngủ.
3. Quá yên tĩnh
Một số gia đình sợ làm xáo trộn giấc ngủ của trẻ, nghĩ trẻ sợ âm thanh nên cố gắng không gây bất cứ một tiếng động nào khi con ngủ. Việc trao đổi của bố mẹ cũng chỉ qua cử chỉ, ánh mắt và đi lại thì “nói khẽ cười duyên”. Tuy nhiên cách làm này hoá ra lại hoàn toàn phản tác dụng. Lớn lên trong một môi trường quá yên tĩnh sẽ khiến em bé trở nên vô cùng nhạy cảm với âm thanh và chỉ cần một tiếng dộng nhỏ là có thể thức giấc. Chính vì vậy, ngay từ khi sinh ra, cha mẹ không nên cố tình sắp xếp để con ngủ trong môi trường hoàn toàn không tiếng động.
4. Kích thích quá nhiều
Nhiều chị em khi muốn cho con ngủ hay lắp thêm một số món đồ chơi ru ngủ có nhạc và âm thanh, thậm chí phim ảnh chuyển động. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chứng minh những thiết bị này chỉ khiến bé mất tập trung và làm con tỉnh táo hơn là dạy cho con biết ban đêm và giờ đi ngủ đã đến. Hãy cứ để bé ngủ yên trong bóng tối hoặc ánh sáng yếu từ một ngọn đèn nhỏ là đủ. Trẻ sơ sinh chưa phát triển nỗi sợ hãi với bóng tối và bé sẽ không khó chịu gì nếu bóng tối ập đến một cách từ từ, dần dần. Đừng để bé xem tivi trước khi đi ngủ, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bé rất nhiều.
5. Phụ thuộc vào chuyển động mới ngủ được
Nhiều chị em cảm thấy thở phài nhẹ nhõm khi con bỗng nhiên ngủ được ngon lành trong ghế nôi, khi mẹ bế rung hay trong xe oto đang di chuyển. Tuy nhiên, đừng để mình rơi vào “cái bẫy” của việc khiến con có thói quen phụ thuộc vào sự chuyển động, à ơi rung lắc mới có thể đi vào giấc ngủ. Việc cứ bế con cả đêm hay cứ phải lên ô tô mới ngủ được là vô cùng nguy hiểm. Mặt khác, trẻ cũng không thể có được giấc ngủ sâu, ngủ yên nếu ngủ theo cách này.
Đừng để trẻ quá phụ thuộc vào mẹ
Đừng bao giờ biến chuyện rung lắc thành một phần thói quen trước khi đi ngủ của bé
Mẹ chỉ nên sử dụng nôi rung hay bế con cưng nựng khi cần làm dịu tâm trạng của con, hoặc khi con đang khó chịu hay quấy khóc. Đừng bao giờ biến chuyện rung lắc thành một phần thói quen trước khi đi ngủ của bé
6. Bỏ qua việc thiết lập những thói quen trước khi đi ngủ
Với một đứa trẻ mới vài tháng tuổi, nhiều người cho rằng những thói quen tạo lập như đọc sách, nghe nhạc trước khi đi ngủ là không cần thiết vì “trẻ con biết gì”. Tuy nhiên khi trẻ lớn lên, nhiều chị em lại thêm một lần chẹp miệng “Lớn quá rồi bây giờ tạo thói quen không kịp”. Do đó, đừng bao giờ chần chừ trong việc tạo thói quen cho bé trước khi đi ngủ.
Hãy tạo cho trẻ thói quen trước khi ngủ như đọc sách,…
Dù trẻ còn nhỏ, hãy vẫn tạo thói quen trước khi đi ngủ cho trẻ
Trước khi cho bé đi ngủ khoảng 30 phút, mẹ có thể tắm qua cho bé với nước ấm, đọc truyện hoặc cho bé nghe một bản nhạc quen thuộc ngày này qua ngày khác. Lâu dần, chỉ ngay khi mẹ thực hiện những thói quen này, cơ thể bé sẽ tự cảm nhận được đã đến giờ đi ngủ và tự động…buồn ngủ.
7. Thay đổi môi trường ngủ quá đột ngột
Nếu bé đang ngủ trong nôi, mẹ đột ngột chuyển con ra một chiếc giường lớn quá đột ngột, hay khi đang quen ngủ cùng bố mẹ bỗng nhiên con bị “ra riêng” bé sẽ không có cảm giác an toàn quen thuộc. Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh chỉ cần đặt ở một môi trường xa lạ thì ít nhiều đều xuất hiện một sự sợ hãi nhất định. Thiếu cảm giác an toàn chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mất ngủ khó ngủ.
Đối với những em bé như vậy, cha mẹ nên để con ngủ trong một không gian tương đối nhỏ, chẳng hạn như nôi hay xe đẩy. Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý cho bé ngủ giường cố định, sử dụng một bộ ga gối cố định, hướng nằm đồng nhất và nghe những bản nhạc quen thuộc.
Chi tiết: Nguyên nhân khiến bé ngủ ngày thức đêm