Trường bắn Xuân Sơn, thuộc thôn Quyết Tiến, xã An Thắng, huyện An Lão, TP Hải Phòng rộng khoảng một sào, nằm cách biệt và được ngăn cách với nhau bằng con đường nhựa trong quần thể nghĩa trang Đồng Phàm. Dưới đám hoa ngũ sắc là những hố sâu hoắm, nước đen xì, vết tích của việc hài cốt tử tù đã được thân nhân đến cải táng đưa về quê hương. Rải rác xung quanh là những ngôi mộ của tử tù mà khi họ còn sống là những tội phạm khét tiếng, gây ra những vụ trọng án kinh hoàng, hoặc những kẻ gieo rắc cái chết trắng nổi tiếng đất Cảng, nay phải trả giá.
“Có những năm, nghĩa trang tiếp nhận 5 tử tù, nhưng trung bình là từ 2 – 3 tử tù một năm. Khi trả án xong, tử tù nằm xuống chỉ là một nấm đất, gia đình nào có điều kiện thì thuê thợ xây đắp lại bằng xi măng và gắn tấm bia trên mộ. Tuy nhiên, nhiều gia đình tử tù ở xa và nghèo nên không có điều kiện tu bổ, vài năm mới đến thắp hương một lần. Trải qua thời gian, những nấm mồ ở mé đường nghĩa trang bị san bằng nằm lẫn trong những đám hoa ngũ sắc vì không có người thân chăm sóc, hương khói”, cụ Vũ Văn Đọc, 84 tuổi, người bán thẻ hương, tiền giấy ở đầu nghĩa trang trầm ngâm nói.
Theo ông Hiền, nghĩa trang này hình thành được 30 năm, khu vực này trước đây là khu đất trũng, từ khi trường bắn chuyển về địa phương, khu đất này được dành riêng cho tử tù. Thời kỳ cao điểm, nghĩa trang quy tụ khoảng 50 tử tù ở các tỉnh. Đặc biệt, những tử tù này tuổi đời còn rất trẻ, từ 22 – 27 tuổi. Vài năm trở lại đây, trường bắn ngừng hoạt động, người thân của tử tù chuyển hài cốt về quê an táng, nghĩa trang cũng vắng người hơn…

Trường bắn Xuân Sơn hiện tại.

Một ngôi mộ của tử tù tại trường bắn Xuân Sơn.
Cánh cửa pháp trường của trường bắn Xuân Sơn đã khép lại, ông Hiền trầm tư: “Chúng tôi vẫn tiếp tục việc chăm sóc những ngôi mộ lâu năm không có thân nhân đến thăm nom cùng với những ngôi mộ tử tù vô danh. Lúc còn sống, họ nhất thời phạm tội và phải chịu sự trừng phạt cao nhất của pháp luật, khi chết đi, mình có nén nhang mong họ kiếp sau đầu thai thành người tốt, không quay về con đường cũ”.