Trong các năm tới thị trường BĐS sẽ có sự thay đổi ra sao
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong năm nay, thị trường bất động sản nước ta phát triển tốt, trở thành một trong những ngành kinh tế năng động nhất. Thị trường đang chứng kiến những thay đổi tích cực về chất lượng và sự đa đạng của sản phẩm trong các phân khúc bất động sản khác nhau.
>>> xu hướng nhà đất các năm tới
Đến thời điểm này, tổng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản khoảng 420.000 tỷ đồng, tăng 100.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Trong đó TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về dòng vốn và giao dịch. Dự báo, từ năm 2017, dòng vốn đổ vào bất động sản sẽ giảm dần.

“Cơ cấu sản phẩm BĐS đang có xu hướng lệch pha, nhiều nhà đầu tư vẫn chạy theo phân khúc cao cấp trong khi phân khúc tầm trung có nhu cầu mua thật lại không có rổ hàng tương ứng”, ông Nguyễn Trân Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, phát biểu.

Cùng chung nhận định trên, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Nghiên cứu Công ty quản lý quỹ Dragon Capital – nhận định thêm trong những năm tới phân khúc nhà ở cao cấp sẽ rất dồi dào. Qua nghiên cứu, tính từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy giá bán nhà ở phân khúc này có sự sụt giảm nhẹ, trong khi nhà ở tầm trung có giá bán hơi nhỉnh và có một số khu vực tăng đột biến. Đặc biệt, nếu cộng dồn cả 3 quý của năm 2016, phân khúc đất nền, biệt thư đang có sự bùng nổ về nhu cầu cũng như giá bán.

“Dự báo năm 2017, giá bán nhà ở cao cấp sẽ tiếp tục đi ngang. Nhìn tổng thể thị trường sẽ có sự sụt giảm nhẹ trong khi nguồn cung tiếp tục tăng cao. Thị trường đang tràn ngập thông tin dự án cao cấp bán cháy hàng, bán hết ngay ngày mở bán, nhưng còn tuỳ vào từng dự án cụ thể chứ không thể thổi phồng lên cho cả thị trường”, ông Tuấn nói.

Nhận định thêm về thị trường trong giai đoạn tới, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, khẳng định rằng sức mua trên thị trường BĐS Việt Nam hiện nay trong một quý cũng đã bằng của Singapore cả năm, do vậy sẽ không có hiện tượng “bong bóng” BĐS trong thời gian tới. Ông cho rằng nếu sức mua rơi dưới 15% mới đáng quan ngại và lâp tức phải có những cảnh báo cho toàn thị trường.

Ông Neil cũng đưa ra dự báo cho thấy dòng nhà ở thực sự cao cấp vẫn có nhu cầu khá mạnh trong những năm tới phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, lượng cung nhà ở thuộc phân khúc trung cấp sẽ tăng năm 2017 nhưng nhìn chung cung – cầu sẽ cân bằng và thị trường vẫn mạnh khoẻ trong vài năm tới.

Cũng theo lý giải của vị chuyên gia này, người tiêu dùng đang tăng nhiều so với những chu ký trước và chu kỳ tới sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là tại TP.HCM trong khi Hà Nội mang tính đầu cơ hơn. Việc cho người nước ngoài sở hữu nhà ở đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Bởi khi họ đầu tư bằng tiền mặt thường hưởng tỷ suất sinh lời 7-8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ chỉ 1-2%. Tuy nhiên theo quan sát thì thị trường đang xuất hiện xu hướng ngày càng có nhiều nhà đầu tư rót vốn vào nhà ở phân khúc trung cấp.

“Tôi có thể khẳng định rằng trong 10 đến 15 năm tới thị trường BĐS Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt như hiện nay hoặc hơn thế. Với nguồn dân số trẻ dồi dào, tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh, dòng vốn nước ngoài đổ vào BĐS rất mạnh, hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại luôn được đầu tư rộng khắp, hội nhập kinh tế sâu rộng và một nền chính trị ổn định… sẽ giúp cho thị trường địa ốc tăng trưởng bền vững”, ông Marc Townsend – Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam phát biểu.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương – Tổng Giám đốc công ty BĐS Tiến Phước cho biết trong 5-10 năm tới thị trường BĐS sẽ phát triển bền vững. Phân khúc nhà ở nào cũng đều có những thách thức và cơ hội của phân khúc đó.

Hiện nay, người mua nhà đã thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong quyết định của mình, đặc biệt về mặt pháp lý của dự án và tư duy về tiêu chuẩn sống cũng đã được thay đổi nên xu hướng trong tương lai, những dự án có vị trí đẹp, phát triển đồng bộ và đa tiện ích, mang lại cuộc sống chất lượng cao và được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín sẽ là lựa chọn ưu tiên của khách hàng.

Tuy nhiên, nhận định của nhiều chuyên gia cũng cho thấy trong tương lai việc khai thác quỹ đất đầu tư cho BĐS tại những thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội sẽ vô cùng khó khăn, cạnh tranh gay gắt. Trong khi nhu cầu nhà ở bình dân tại những địa phương này luôn ở mức khá cao, quỹ đất lại không rẻ nên trong 3-5 năm tới phân khúc này sẽ khan hiếm đến mức “đáng báo động”. Từ đó, tại Việt Nam sẽ hình thành nên một thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) để giữ quỹ đất đầy sôi động với sự xuất hiện của nhiều dòng vốn mới.