Đại gia ngân hàng lấn sân lĩnh vực thu phí giao thông

Sự tham gia của các đại gia ngân hàng trong phát triển công nghệ thanh toán được kỳ vọng sẽ đem lại đột phá trong thu phí giao thông thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý 86 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc và các địa phương quản lý 15 trạm thu phí, trong đó khoảng 2/3 đang thực hiện thu phí. Qua thời gian nghiên cứu, tham khảo nhiều công nghệ khác nhau, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định chọn công nghệ thu phí RFID của Mỹ, là công nghệ thu phí không dừng hiện đại nhất hiện nay và đang được thực hiện rất thành công ở Đài Loan.

Những ngân hàng đầu tiên quyết định “mở két” đầu tư vào hạ tầng giao thông, phát triển công nghệ thu phí giao thông không dừng tại Việt Nam phải kể tới những “ông lớn” ngân hàng như Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư & phát triển Việt Nam (BIDV)…

Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, năm 2011 Bộ Giao thông vận tải đã có chủ trương áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng liên trạm thanh toán qua ngân hàng. Bộ đã giao cho VietinBank triển khai thí điểm lần đầu tại 7 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ bằng công nghệ DSRC passive (sử dụng OBU) của châu Âu. Đến nay, VietinBank đã triển khai thành công tại 23 trạm thu phí trên toàn quốc tại 8 tỉnh, thành.
Giai đoạn 2015 – 2016, theo định hướng của Bô GTVT, VietinBank nghiên cứu áp dụng triển khai công nghệ RFID thay cho công nghệ OBU. Dự án thu phí tự động không dừng liên trạm thanh toán qua ngân hàng công nghệ RFID này sẽ chính thức được VietinF (Công ty Đầu tư công nghệ hạ tầng trực thuộc VietinBank) triển khai vào quý IV/2016, dự kiến hết năm 2019 sẽ hoàn thành triển khai tại các trạm miền Trung, miền Nam và các BOT do VietinBank tài trợ vốn..

“Chi phí của công nghệ RFID thấp nên sẽ thúc đẩy thu phí không dùng tiền mặt trong giao thông”, ông Lân kỳ vọng.

Một “đại gia” ngân hàng nữa là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng được “chọn mặt gửi vàng” trong triển khai thu phí giao thông không dừng tại một số trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng BIDV cho biết, với vai trò ngân hàng đầu mối thanh toán BIDV đã hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối thanh toán giữa trung tâm thu phí không dừng (ETC) và ngân hàng, đảm bảo tất cả các khách hàng là các chủ phương tiện đều có thể thực hiện triển khai nạp tiền vào tài khoản thu phí giao thông của mình qua tất cả các kênh ngân hàng truyền thống lẫn ngân hàng hiện đại như: Internet, mobile, ATM, tại các điểm giao dịch ngân hàng, các trạm đăng kiểm,…nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng. Khách hàng có thể sử dụng tài khoản tại bất cứ ngân hàng nào, hoặc nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản thu phí giao thông theo đúng số thẻ Etag được dán cho phương tiện của mình.

Đánh giá về sự lấn sân của các đại gia thanh toán vào lĩnh vực thu phí giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, sự góp sức của các nhà băng về công nghệ thanh toán là rất cần thiết. “Khi các ngân hang muốn có dòng tiền ổn định để quay vòng, kinh doanh thì chuyện họ quan tâm, đầu tư hỗ trợ hệ thống thanh toán thu phí không dừng nói riêng, hệ thống thanh toán phí giao thông là bình thường”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Chủ đề cùng chuyên mục:

lãi suất cho vay ngân hàng agribang
vay vốn ngân hàng sakombank
lãi suất vay ngân hàng sacombank