Điều trị sớm, kết quả khỏi bệnh cao

Tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM, mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới nhập viện và điều trị, trong đó gần phân nửa là giai đoạn sớm. Ung thư cổ tử cung là loại diễn tiến chậm, phần lớn diễn tiến tại vùng, tại chỗ, thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 40-60 và chiếm khoảng 25% các trường hợp ung thư hằng năm. Hầu hết bệnh nhân đến khám vì xuất huyết âm đạo bất thường, có khi chỉ vài giọt máu xuất hiện sau khi vợ chồng “gần gũi”. Huyết trắng bất thường kéo dài cũng nên cảnh giác. Triệu chứng sớm của ung thư cổ tử cung rất khó nhận biết. Sau giai đoạn triệu chứng mơ hồ, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn với những biểu hiện như xuất huyết âm đạo bất thường khá nhiều.
Xem thêm:
>>> cách giảm cân cấp tốc
>>> Cách làm giảm mỡ bụng hiệu quả
Tùy theo giai đoạn sớm muộn mà thầy thuốc chuyên khoa sẽ định kế hoạch điều trị. Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung tính từ nhẹ đến nặng gồm 4 giai đoạn. Nếu bệnh ở giai đoạn một và được điều trị sớm và đúng cách thì có đến 80% – 90% bệnh nhân khỏi bệnh sau 5 năm, nếu ở giai đoạn hai thì khoảng 70% – 80%. Khi bệnh đã tiến xa (giai đoạn ba và bốn), việc điều trị tuy rất khó khăn nhưng vẫn có hy vọng cho kết quả tốt. Ở giai đoạn ung thư đã di căn hầu như không thể chữa khỏi, bác sĩ chỉ có thể dùng hóa chất để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Nếu bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn sớm mà vẫn còn trẻ, không có chống chỉ định phẫu thuật thì thầy thuốc sẽ cân nhắc lựa chọn giải pháp phẫu thuật ngay từ đầu để có thể bảo tồn được chức năng buồng trứng và âm đạo giúp bệnh nhân tránh những tác dụng muộn của xạ trị. Tại BV Ung Bướu, nhiều trường hợp bị ung thư cổ tử cung sau điều trị sống kéo dài 15-20 năm vẫn chưa ghi nhận tái phát.

Xét nghiệm Pap, cách phòng ngừa chính

Mặc dù đã giảm gần phân nửa trong vòng 10 năm qua nhưng ung thư cổ tử cung vẫn tiếp tục là mối đe dọa lớn cho phụ nữ. Cách duy nhất để phát hiện kịp thời ung thư cổ tử cung là phụ nữ trên 30 tuổi nên đi khám tầm soát đều đặn mỗi năm 2 lần ở phòng khám phụ khoa, làm xét nghiệm tế bào âm đạo, tìm ung thư khi còn sớm. Rà tìm bằng xét nghiệm Pap (phết tế bào âm đạo) là giải pháp tốt nhất và là nhu cầu bức thiết, cần được đặt ưu tiên hàng đầu. Đây là biện pháp phòng ngừa ung thư phụ khoa đơn giản, vừa túi tiền nhưng lại giúp phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm. Xét nghiệm tế bào âm đạo hiện nay được áp dụng rộng rãi, được chứng minh làm giảm tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung một cách hữu hiệu ở những nước phát triển. Tại VN, các bệnh viện phụ sản, các cơ sở y tế bình thường cũng đều làm được xét nghiệm này. Khi có viêm nhiễm cơ quan sinh dục, cần đi khám và điều trị ngay. Những người có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung xâm lấn, tập trung ở phụ nữ từ 35 đến 55 tuổi.

Nếu chị em phụ nữ thực hiện phết tế bào âm đạo hai năm một lần sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung đến 90%. Có thêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung chỉ là thêm vũ khí để phòng ngừa chứ đây không phải là cách phòng ngừa duy nhất. Và ngay cả sau khi đã được tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ không được chủ quan mà vẫn nên khám phụ khoa và thực hiện xét nghiệm phết tế bào âm đạo định kỳ vì các loại vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung chỉ giúp ngừa được 70%, vẫn còn 30% có nguy cơ mắc bệnh này. Muốn phòng ngừa nhiễm virus HPV phải tiêm vắc-xin từ lúc cơ thể chưa bị nhiễm HPV, tức là lúc chưa có quan hệ tình dục. Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng khẳng định nếu đã viêm nhiễm HPV rồi thì việc tiêm phòng không có ý nghĩa. Do đó, dù có vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung vẫn không thể thay thế được xét nghiệm tế bào âm đạo.

Viêm nhiễm HPV không có nghĩa là bị ung thư

Phần lớn ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV, nhưng không phải bất cứ ai bị nhiễm HPV đều bị ung thư cổ tử cung. Từ lúc bị nhiễm HPV cho đến khi xuất hiện tổn thương tiền ung thư (không phải ung thư) khoảng 10-15 năm. Từ giai đoạn tiền ung thư đến ung thư thật sự cũng phải mất khoảng 5-10 năm. Trong thực tế, ở độ tuổi đôi mươi (hay khi mới có quan hệ tình dục), có khoảng 60% đến 80% phụ nữ bị nhiễm virus HPV, nhưng sau 12 tháng, 70% trong số này không còn bị nhiễm nữa và sau 24 tháng chỉ còn 9% tiếp tục bị nhiễm HPV. Các yếu tố tạo thuận lợi cho ung thư phát sinh: phụ nữ sinh đẻ nhiều, viêm cổ tử cung mãn tính, lấy chồng sớm.

Suckhoecuocsong.blog theo tác giả: NHẤT PHƯƠNG