Nâng cao hiệu quả mô hình trình diễn
Đọc thêm: Phan bon
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), trong năm vừa qua Trung tâm được giao chủ trì, quản lý 28 dự án khuyến nông để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất. Các dự án đều triển khai đảm bảo tiến độ và mùa vụ sản xuất, đạt hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà tối thiểu 15%.

Lãnh đạo Hội ND và hội viên nông dân tham quan mô hình trồng ổi lê của ông Trần Văn Tiến ở khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ). Ảnh: Thanh Thư
Trong đó, lĩnh vực khuyến nông trồng trọt, lâm nghiệp đã triển khai 13 dự án, xây dựng 89 mô hình trình diễn trọng điểm như sản xuất hạt giống lúa lai F1; giảm lượng hạt giống gieo sạ; xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; sản xuất cam, bưởi an toàn theo chuỗi giá trị; tưới tiết kiệm nước cho cây hồ tiêu; sản xuất chè an toàn; áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh; liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ cây dược liệu...
Trong lĩnh vực khuyến nông chăn nuôi và thú y đã triển khai 9 dự án, xây dựng 46 mô hình trình diễn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt; chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo; chăn nuôi có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu; chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học; nuôi ong mật chất lượng cao…
Ngoài ra, trong công tác khuyến ngư cũng có nhiều mô hình hiệu quả như xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ; liên kết nuôi cá rô phi VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; nuôi tôm sú bán thâm canh; phát triển thủy đặc sản như cá tầm, cá lăng, tôm càng xanh…
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Trần Văn Khởi - Giám đốc TTKNQG cho biết, năm 2018, công tác tổ chức, triển khai các dự án khuyến nông có nhiều đổi mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng, đó là tập trung vào các đối tượng, sản phẩm chủ lực của ngành; phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố để tiếp tục duy trì, mở rộng kết quả sau khi dự án kết thúc; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu bờ để đánh giá, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình ra sản xuất đại trà; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ… Đặc biệt là đã có nhiều mô hình kết nối với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Thục Quyên
“Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và quy trình VietGAP đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Các mô hình trình diễn đã chứng minh được tính hiệu quả, ưu việt, thuyết phục được bà con tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà. Từ kết quả của các dự án, mô hình khuyến nông, một số địa phương đã chỉ đạo bà con nhân rộng mô hình và liên kết với doanh nghiệp để phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn” - ông Khởi cho biết.

View more random threads: