Nhơn Lý là một xã bán đảo nằm cách xa thành phố Quy Nhơn khoảng chừng 30km. Người dân ở đây sống nhờ vào biển cả. Những ngôi nhà ở làng Nhơn Lý được xây dựng khá lâu đời với các con đường nhỏ ngoằn ngoèo dễ khiến ta liên tưởng đến phố cổ Hội An hay Hà Nội. Du lịch phát triển đã giúp giao thông và đường sá thuận tiện hơn. Thế nhưng, dù cho thế nào đi nữa, những nếp nhà, con hẻm nhỏ nơi đây vẫn cổ kính và yên bình bên cạnh vẻ nhộn nhịp ở Eo Gió hay đảo du lịch Kỳ Co. Đến làng vào buổi sáng, chúng tôi đi bộ dọc theo chợ Nhơn Lý, nơi thể hiện rõ nhất đời sống của người địa phương. Chúng tôi chọn một quán nhỏ để thưởng thức những món ăn dân dã như bánh xèo mực, bún chả cá hay chè ngọt… và lắng nghe giọng địa phương đặc trưng vừa ồn ào, vừa đáng yêu từ người mua kẻ bán.

Bánh xèo là món ăn khá phổ biến từ miền Trung trở vào, mỗi vùng bánh xèo được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Ở Nhơn Lý,du lịch Bình Định này, bánh xèo là loại bánh nhỏ, được đổ mỏng, chiên giòn và thường bỏ kèm với tôm hay mực, những loại hải sản tươi sống được theo về qua những chuyến tàu đêm.

Là du khách ở Nhơn Lý, tuy dễ gây sự chú ý qua giọng nói và trang phục nhưng chúng tôi không hề thấy sự khó chịu hay việc “chặt chém” như ở vài nơi khác. Chúng tôi bắt đầu hòa nhập với người địa phương bằng cách vừa ăn uống, vừa hỏi chuyện và cố gắng hiểu tiếng “lóng” từ các bà các cô. Quả là một trải nghiệm khá thú vị, khó nghe mà cũng khó quên!

Khu vực Eo Gió ở làng Nhơn Lý là một eo biển được bao quanh bởi hai dãy núi vòng cung với vô vàn vách đá hùng vĩ. Ở đây bạn có thể leo lên mỏm đá cao để nhìn về làng chài Nhơn Lý bên kia núi hay đi dạo dọc con đường tam cấp mới được xây dựng với hàng rào vây quanh. Bạn cũng có thể lựa một phiến đá to để ngồi ngắm sóng đánh trắng xóa vào bãi Đá Đẻ. Chúng tôi đến đây để ngắm bình minh nhưng có lẽ hơi thiếu may mắn, trời lúc đó nhiều mây mặc dù gió rất mạnh như cái tên Eo Gió vậy. Chúng tôi quyết định bỏ thêm chút thời gian và công sức leo lên những đỉnh núi cao ở xung quanh Eo Gió. Từ đó, bạn sẽ có tầm nhìn bao quát hướng về làng Nhơn Lý và chụp được những bức ảnh đẹp để đời.

Sau đó, chúng tôi ghé tham quan tịnh xá Ngọc Hòa, nơi có tượng Phật đôi lớn nhất Việt Nam với chiều cao khoảng 30 mét, hai mặt tượng xoay về hai hướng. Nếu có thời gian, bạn có thể thăm chùa Phước Sa Tự ở lưng chừng núi, có tượng Quan Âm Bồ Tát lớn hướng ra biển. Người dân Nhơn Lý không chỉ thường đến cầu nguyện, mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình mà còn có thể ngắm nhìn toàn cảnh làng chài tuyệt đẹp từ trên cao.

BIỂN KỲ CO ĐẸP MÊ HOẶC LÒNG NGƯỜI
Từ Nhơn Lý, chúng tôi mất khoảng 15 phút ngồi ca-nô để đến được bãi biển đảo du lịch Kỳ Co. Nếu như trước đây chỉ có tàu cá là phương tiện duy nhất thì bây giờ, bạn có thể đi bằng ca-nô hay xe máy. Tuy nhiên, ca-nô là phương tiện tối ưu hơn cả vì bạn có thể kết hợp ngắm san hô, ăn hải sản… Xe máy chỉ nên dành cho những người có tay lái cứng bởi

Nhìn từ xa, bãi biển Kỳ Co thực sự tạo ấn tượng mạnh mẽ trong mắt du khách với bãi cát trắng thoai thoải mịn màng ôm lấy làn nước xanh màu ngọc bích, nằm kẹp giữa những dãy núi đá lớn. Từng cơn sóng xô trắng xóa vào bãi cát tạo nên cảnh tượng kỳ vĩ. Ở đây, khi chỉ có trời, núi và biển, thiên nhiên mênh mông bát ngát, còn gì hơn là nằm dài trên cát, ngâm mình trong làn nước mát lành hoặc lặn ngắm san hô và những đàn cá đủ màu sắc. Khoảnh khắc này bạn sẽ khó thể nào quên.

Đảo Kỳ Co là những người ưa thích khám phá và chút mạo hiểm, chúng tôi rủ nhau ghé tham quan bãi đá Ông Địa, nằm tách biệt khỏi bãi chính. Đường ra bãi đá Ông Địa ở Kỳ Co không hề dễ dàng, nhất là dành cho những người không giỏi bơi, bởi bạn phải lội qua chỗ nước sâu gần ngang đầu người. Bạn phải đi đến cuối bãi cát khá dài của Kỳ Co, sau đó bơi khoảng hơn 100m mới ra đến nơi. Suốt đoạn đường đó, thỉnh thoảng lại có vài đợt sóng. Tốt nhất, để an toàn vượt qua đoạn “trắc trở” này, bạn nên dùng áo phao và bảo quản những đồ dùng điện tử.Bãi đá Ông Địa là tên gọi của người địa phương, do trước kia ở đây có một tảng đá hình thành từ tự nhiên, có hình thù giống Ông Địa đang ngồi nhìn vào đất liền. Đầu tiên, một vài người dân sinh sống ở đó cho rằng đây là “Ông Địa” mà Trời ban tặng, họ bắt đầu lập am, thắp nhang để cầu tài lộc, buôn may bán đắt. Hiện tại, tảng đá “Ông Địa” đã không còn nữa mà chỉ còn tượng đá hình Ông Địa do người dân ở đây tạc lại và xây dựng thành am. Nằm lọt thỏm giữa vách núi cao là một bãi cát nhỏ mịn màng, hoàn toàn sạch sẽ, nước trong veo. Ngoài bơi lội, những hôm nhiều gió bạn cũng có thể thử nhảy sóng hay leo lên vách đá cao thử sức mình bằng những cú bật santo hoàn hảo xuống biển. Một cảm giác mà không phải nơi nào, lúc nào cũng có thể đem lại được.

So với nhiều biển đảo khác ở Việt Nam, Kỳ Co đối với tôi là một bãi biển đẹp, hoang sơ, sạch sẽ và yên tĩnh. Nhìn từ trên cao, cảnh tượng tour du lịch Kỳ Co thật kỳ vĩ và nên thơ, khiến bạn dễ lầm tưởng đang lạc vào một hòn đảo ở tận Maldives xa xôi, thiên đường cho những cặp đôi đến hưởng tuần trăng mật và ghi nhớ tình yêu ngọt ngào.

Sau đó, ca-nô đưa chúng tôi dạo quanh một số điểm gần biển Kỳ Co trước khi dừng chân ở Hòn Sẹo. Chúng tôi được cung cấp kính lặn và ống thở để dễ dàng ngắm nhìn một thế giới quan sinh động dưới nước, có dải san hô đủ màu và nhiều loài sinh vật biển lạ lẫm, đẹp mắt. Khi thấm mệt, chúng tôi thay nhau leo lên những tấm phao thả từ ca-nô, nằm lênh đênh ngắm biển mây mênh mông chầm chậm trôi qua trước mắt, cảm giác thời gian như ngưng đọng và kỳ nghỉ tuyệt vời của chúng tôi sẽ kéo dài mãi nơi đây. Sau hơn nửa ngày vùng vẫy với sóng biển Kỳ Co, chúng tôi quay về bè nổi để thưởng thức bữa trưa được chuẩn bị sẵn với hải sản mực, tôm, cá… tươi rói được đánh bắt vào buổi sáng. Hương vị đậm đà làm chúng tôi cứ tấm tắc khen ngon mãi không thôi, đến hôm về vẫn còn thòm thèm.

Trên đường quay về thành phố Quy Nhơn xuyên qua những đồi cát, chúng tôi tranh thủ ghé đồi cát Phương Mai. Đây là đồi cát trắng có diện tích khá lớn. Từ đỉnh đồi cát này cũng dễ dàng nhìn thấy một hồ nước trong xanh từ trên cao, tựa như Bàu Trắng ở Bình Thuận. Và cuối cùng, để hành trình trở nên hoàn hảo, chúng tôi dừng lại trên cầu Thị Nại để bắt kịp khoảnh khắc hoàn hảo của buổi hoàng hôn. Cầu Thị Nại, hay cầu Nhơn Hội, là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nối liền bán đảo Nhơn Lý với trung tâm thành phố Quy Nhơn. Những quầng sáng với sắc tím đỏ loang lổ, đan xen cả một góc trời thu vào tầm mắt tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp và ấn tượng trong trí nhớ của chúng tôi về một làng Nhơn Lý an yên và biển Kỳ Co lãng mạn, kỳ thú.

• Đến: Hiện nay đã có đường bay thẳng đến sân bay Phù Cát, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 30km. Từ đây, bạn có thể đi taxi hay xe bus với hơn 30 phút di chuyển. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến đây bằng tàu hỏa (ga Diêu Trì) hay xe giường nằm.

• Ở: Ngoài resort FLC Quy Nhơn, bạn có thể chọn ở khách sạn ngay trung tâm, con đường ven biển An Dương Vương, đường Trần Hưng Đạo, hoặc chọn homestay, hostel như OME hostel, Halo Hostel, Big Tree backpackers…

• Vui chơi: Bên cạnh Kỳ Co, Nhơn Lý, một số điểm du lịch khác của Quy Nhơn như Hòn Khô, Ghềnh Ráng, Tháp Đôi…

• Ăn uống: Ngoài hải sản Quy Nhơn, một số món khác như bánh xèo tôm nhảy, bánh hỏi cháo lòng, bún cá, bánh bèo, gà chỉ, bánh hỏi lòng heo.